“Xời! Tháng cô hồn tuổi gì cho cô đơn…”
Đó là câu mà tôi nói với lũ bạn thân khi chúng nó chưa biết phải làm gì trong cái thời tiết như thế này. Tháng 8 được ví là thời điểm đẹp nhất trong năm, lúc này thời tiết đã chuyển mình sang thu mang đến một bầu không khí trong lành, dịu mát.Nếu bạn đang phân vân không biết đi đâu, bạn mệt mỏi phải kiếm tìm một miền đất mới,… hãy theo chân chúng tôi đến những miền xứ lạ – nơi mà các bạn sẽ được thỏa sức sống với chính mình và hòa vào cùng cảnh quan thiên nhiên tuyệt sắc.
Tham khảo thêm: Tour khám phá những địa điểm gần thành phố với chi phí chỉ 600K
Ngày đầu tháng 8 với một chuyến hành trình đầy rũ rượi của đám bạn thân chúng tôi. Xé tan bầu không khí âm u tại Quy Nhơn, chúng tôi lái xe mon men theo con đường chỉ dẫn đi đến Tháp Bánh Ít – một trong bảy cụm Tháp Chăm còn trên đất Bình Ðịnh, một khu di tích đẹp, đặc sắc và còn lại nhiều tháp nhất, được tạo lập vào giai đoạn cuối thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XII, dưới thời trị vì của hai quốc vương Harivarman IV và V.
Tháp này còn mang những tên khác là tháp Tri Thiện, Tháp Cầu Bà Gi, Tháp Thiện Mẫu, Thổ Sơn hay người Pháp gọi là Tour d’argent – tháp Bạc. Ngày nay công trình này đang trở thành điểm đến tham quan hấp dẫn đối với các du khách khi đến Bình Định.
Tháp Bánh Ít Bình Định ở đâu?
Tháp Bánh Ít nằm trên một quả đồi cách Quy thành khoảng 20km thuộc xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Đây là một trong số những di tích kiến trúc Chăm tiêu biểu nhất hiện còn tồn tại trên đất Bình Định được kết hợp hài hòa của vẻ đẹp giữa hai khuynh hướng trang nhã, nhịp nhàng và khỏe khoắn.
Nhưng trước khi cùng khám phá hãy bỏ túi bản đồ du lịch Quy Nhơn để lên kế hoạch, lộ trình du hí hợp lý nhé!
Các tòa tháp tạo thành một quần thể kiến trúc độc đáo khiến bất cứ ai khi đến đây cảm giác như đang lạc vào một thế giới cổ đại huyền bí, linh thiêng. Sẽ thú vị hơn khi kéo theo lũ bạn thân rong ruổi đến tòa tháp đầy “bí ẩn” này.
Bản đồ chỉ đường đến Tháp Bánh Ít:
Chắc hẳn một du khách nào khi đến đây sẽ đều nghe qua câu ca dao:
“Tháp Bánh Ít đứng sít cầu Bà Di
Non xanh nước cũng xanh rì
Vào Nam ra Bắc ai cũng đi con đường này”.
Tổng quan Tháp Bánh Ít Quy Nhơn
Đi dọc Quốc lộ 1 hay từ Tây Nguyên xuống theo Quốc lộ 19, khi gần đến ngã ba cầu Bà Di, nhìn về hướng đông, lữ khách sẽ thấy mấy ngọn tháp nhấp nhô trên ngọn đồi cách đó không xa. Hiện nay Tháp được trùng tu lại khá nhiều, và được tạo hình đẹp mắt, hứa hẹn sẽ mang lại nhiều điểm hấp dẫn
Cụm Tháp chính
Phía dưới là tu viện Nguyên Thiều. Đó chính là cụm tháp Bánh Ít mà người dân xứ võ tự hào nhắc đến trong bài ca dao trên. Tên gọi Bánh Ít là do người dân trong vùng đặt vì nhìn từ xa, các tháp trông giống như những chiếc bánh ít – một đặc sản của xứ Nẫu.
Bước chân vào cổng, bạn sẽ gặp ngay một bác bảo vệ vô cùng vui vẻ và thân thiện – đúng với cái cách nồng nhiệt mà người dân xứ Nẫu đón lữ khách khi đến tham quan.
Chúng tôi cởi mở chào bác và gửi cho bác phí giữ xe với tham quan. Giá cực kì phù hợp, chỉ với 5k phí giữ xe và 15k phí tham quan mỗi người (tổng là 20.000vnd) là du khách có thể hả hê thỏa trí sáng tạo với từng góc quay của mình.
Hai người bạn đi cùng chúng tôi đều hào hứng xách sẵn trên tay con Sony DSC H300 cùng Canon 750d của dân mới tập tành vào nghề tiến về phía trước. Cả đám chúng tôi ngỡ ngàng vì phong cảnh hữu tình nơi đây. Rất ư nên thơ kèm theo một chút mộng mị của mây khói, núi rừng.
Vào những ngày tháng 10 thì đường lên khá trơn trượt nên mọi người lưu ý vào những mùa mưa khi đến Quy Nhơn nhé
Nét đặc sắc của Tháp Bánh Ít
Đặt chân lên từng bậc thềm, chúng tôi ai nấy đều cố gắng khẽ từng bước chân vì khung cảnh phía trước. Không một ai trong chúng tôi coi ngày khi đi chơi cả, cả tụi hứng lên là đi, vậy mới là tuổi trẻ.
Xung quanh là những ngôi mộ xưa cũ lấp ló sau những làn khói sương đang tan dần trong gió. Phải nói là tôi thích cái không gian đầy mê hoặc, mộng mị này.
Nó huyền bí đến nỗi cả đám ai nấy phải dè chừng khi xê dịch từng thứ đồ đang cầm lở dở trên tay vì sợ sẽ kinh động nơi linh thiêng này. Cứ thế vài bước nữa thôi đã thấy bóng dáng đích đến của chúng tôi rồi – Tháp Bánh Ít – vẻ đẹp tựa như cái tên của tháp. Thử để ý xem bạn sẽ thấy hầu hết các tháp của người Chăm đều được xây hướng về phía Đông, tháp Bánh Ít cũng không ngoại lệ.
Vì thế để lên khu vực này bạn có thể bắt đầu từ cổng phía Đông Bắc ngọn đồi, rồi đi trên con đường được xây bậc tam cấp sẽ lên tới nơi. Con đường dẫn lên những ngọn tháp cũng là hành trình khá thú vị cho những ai yêu thích du lịch khám phá này.
Tháp Cổng
Chạm mặt ngay với tháp cổng có thiết kế đơn giản, vững chãi, các họa tiết trang trí trên tháp cũng không quá cầu kì như những ngọn tháp khác.
Mái vòm chạy dọc trong tháp được làm nhọn về phần đỉnh nhìn tựa mũi lao đang hướng lên trời. Đây là một trong những background check in xịn xò mà bộ ảnh nào cũng muốn có, vậy còn chần chờ gì nữa bạn ơi
Tháp Chính
Bất giác tôi đứng hình vài giây bởi bức tranh cổ đại này. Phía trên ba ngọn tháp lớn nhỏ khác nhau, ở vị trí trung tâm sẽ là tháp chính có kích thước lớn hơn cả.
Xung quanh tháp chính còn 2 tòa tháp nhỏ, các tòa tháp này tạo thành một quần thể kiến trúc độc đáo. Khiến bất cứ ai khi đặt chân tới nơi này đều có cảm giác như đang lạc vào một thế giới cổ đại đầy huyền bí cách đây cả chục thế kỉ.
Kiến trúc tháp chính
Chiều cao của tháp chính lên tới 20 mét, lối đi vào tháp được xây nhô ra chừng 2m, trên là mái vòm cong đặc trưng, các chi tiết này được trang trí rất công phu và tỉ mỉ.
Các tòa tháp này đều được xây từ những viên gạch đỏ thô ráp vì những người xây dựng nơi đây đã cố gắng tạo nên một vẻ mềm mại, hài hòa. Trên các bức phù điêu của tháp được tạc họa nhiều hình người đầu voi, khỉ trong tư thế nhảy múa rất sinh động.
Nơi thờ thần Siva
Trước khi khám phá, tôi đã tìm hiểu phía bên trong tháp chính là nơi thờ thần Siva. Bức tượng này được chạm khắc vô cùng tinh xảo, với hình ảnh thần Siva tọa trên đài sen.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, đến nay bức tượng không còn giữ được hình dạng nguyên vẹn, nhiều chi tiết đã bị sứt mẻ, rơi, vỡ nhưng giá trị văn hóa, tín ngưỡng mà nó đem lại vẫn còn nguyên.
Nơi này có thể vì không ai chăm sóc nên mùi ẩm mốc và phân dơi để lại xung quanh tượng khá nhiều. Điều đặc biệt đến bây giờ tôi vẫn cảm thấy khó hiểu là “tại sao phía bên trên tượng lại không hề có gì, và điều gì làm tôi đứng lặng không thể tiếp tục đi đến gần tượng thần Siva được?” – đó vẫn còn là điều “thần bí”!!!
Tháp Yên Ngựa
Theo tôi được biết ngay cạnh tháp chính là một tháp nhỏ tên yên ngựa. Tháp này cao 12m, chiều rộng là 5m. Phần mái của tháp được làm cong như yên ngựa, có lẽ vì thế mà người dân nơi đây đã đặt cho tòa tháp này cái tên như vậy. Điều đặc biệt ở đây là đế tháp rộng hơn thân, và được chạm khắc các biểu tượng, tượng trưng cho những cánh tay đang nâng lấy tòa tháp.
Phải nói không gian ở đây xoay chuyển cảm xúc chúng tôi từ bàng hoàng, ngỡ ngàng cho đến vỡ òa.
Các tòa tháp khác
Đảo mắt qua lại, tôi tia được một tòa tháp nhỏ hướng Nam của ngọn đồi được xây ở vị trí thấp hơn tòa tháp chính chừng 10 mét.
Khác với hai công trình trên, tòa tháp này được xây dựng với 4 cửa ngoảnh về 4 hướng với mong muốn nhận lấy những tinh hoa của đất trời. Phần mái được làm nhỏ dần về đỉnh, trên đây được chạm khắc rất nhiều họa tiết đặc sắc.
Không thể nào giấu nỗi cảnh đẹp qua đôi mắt của các nhiếp ảnh nghiệp dư này rồi. Thật là may mắn!
Thưởng ngoạn những khung hình đẹp
Vì là thời tiết dịu mát, lúc chúng tôi bắt đầu xuất phát từ Quy Nhơn cứ ngỡ đến đây sẽ mưa rất to nhưng không ngờ là chỉ vài hạt lắc rắc. “ Chắc Thần linh nơi này cảm hóa được tấm lòng khao khát khám phá thiên nhiên của tôi và mọi người” – tôi trộm nghĩ vậy.
Lúc này thì nhiều du khách cũng lên khá đông, hết đoàn này, đến tốp kia lần lượt kéo lên tham quan, hưởng ngoạn Tháp bánh ít. Những tưởng trời không nắng thì mọi người sẽ không muốn đi vì ảnh chụp sẽ không sắc nét. Đứng trên tháp và nhìn xuống một không gian rộng mở tuyệt đẹp mà ít nơi có được
Đúng là trời không phụ lòng người mà. Những khoảng khắc, từng cảnh quay không góc chết được chúng tôi bắt kịp. Nhờ cảnh quan và một phần vì thời tiết như thế này tạo điều kiện giúp chúng tôi có những shots hình để đời sống động hơn thế nữa là một không gian khác cổ kính, thiêng liêng hơn.
Mỗi một góc tường là điểm sống ảo cực Chất của giới trẻ – thiết nghĩ “ai không đi thực sự uổng phí!”
Một chút lưu ý khi đến Tháp Bánh Ít
Qua đây, tôi hy vọng nhiều bạn trẻ sẽ biết giữ gìn và trân trọng những công trình lịch sử cổ xưa của quê hương mình nhiều hơn nữa, chứ không phải muốn các bạn nhìn thấy bảng “ không viết vẽ lên tường” , “phân loại rác vô cơ – hữu cơ” lại đi làm điều ngược lại.
Chúng ta đều đang sống trong thế giới văn minh, môi trường hiện đại, không nên có những hành động và cư xử khiếm nhã như vậy. Thật cảm ơn khi bạn hiểu và trân quý điều đó!!
Với vẻ đẹp cổ kính, rêu phong, cùng những giá trị văn hóa, tín ngưỡng thiêng liêng.
Tháp Bánh Ít Quy Nhơn đang dần trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn tại Bình Định. Nếu có dịp du lịch tới Bình Định, bạn hãy ghé thăm quần thể di tích này, chắc chắn chuyến đi này sẽ để lại trong bạn những kỉ niệm đáng nhớ. Chúc bạn và gia đình có một chuyến đi tốt đẹp.
Có rất nhiều thứ làm nên tuổi trẻ, một trong số đó là hành trình mà các bạn đã lựa chọn.
Bật mí: Quy Nhơn cũng có 1 tháp khác cũng rất đẹp đó là Tháp Đôi Quy Nhơn, bạn tham khảo nhé
Đánh giá tổng quan về Tháp Bánh Ít
- Không gian đẹp, thoáng mát5.0
- Check in4.5
- Vị trí xa hơi xa4.0
- Leo trèo hơi mệt4.0
- Ít địa điểm ăn uống4.0